14 thg 4, 2013
15 thg 3, 2013
BỆNH LUPUS BAN ĐỎ HỆ THỐNG
Lupus ban đỏ hệ thống, hay còn được gọi tắt là lupus (SLE- Systemic Lupus Erythematosus), là một bệnh tự miễn trong đó hệ thống miễn dich của con người tấn công chính những cơ quan và các tế bào của cơ thể, làm chúng bị tổn thương và rối loạn chức năng.
Lupus được gọi là bệnh đa hệ thống vì nó có thể ảnh hưởng lên nhiều cơ quan và các mô khác nhau trong cơ thể. Một số bệnh nhân bị lupus ở mức độ nhẹ, họ chỉ cần điều trị với một số loại thuốc đơn giản nhưng cũng có những bệnh nhân có thể bệnh rất nặng và ảnh hưởng đến tính mạng. Lupus thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới và thường gặp nhất ở lứa tuổi sau dậy thì vì một nguyên nhân nào đó chưa được biết rõ.
Lupus là một bệnh tự miễn, được đặc trưng bởi những đợt giảm nhẹ hoặc thoái lui và những đợt bùng phát trở lại. Ngày nay, bệnh lupus có tiên lượng tốt hơn vì bệnh được hiểu rõ hơn, và có những xét nghiệm giúp chẩn đoán và điều trị sớm hơn cùng với những thuốc có hiệu quả và an toàn hơn trước đây.
NGUYÊN NHÂN
Tính chất di truyền:
Cững như những bệnh tự miễn khác, có một số loại lupus cũng mang tính di truyền. Những trẻ sinh đôi cùng trứng có nguy cơ bị lupus cao gấp 3 đến 8 lần so với những trẻ sinh đôi khác trứng. Ngoài ra, những người có cùng huyết thống ở thế hệ đầu tiên (gồm ba, mẹ, anh, chị và em ruột) với người bệnh lupus có nguy cơ bị bệnh tăng lên từ 8 đến 9 lần so với người bình thường.
Những yếu tố môi trường
Mặc dù một trẻ sinh đôi cùng trứng dễ bị lupus hơn nếu như trẻ còn lại bị lupus, nhưng khả năng tiến triển thành bệnh của bé không phải là 100%. Mặc dù hai bộ gen gần như giống hệt nhau tạo ra hai trẻ sinh đôi giống hệt nhau nhưng khả năng phát triển thành bệnh của trẻ nếu như bé có anh/chị/em sinh đôi đã bị bệnh chỉ nằm trong khoảng từ 30-50% hoặc thấp hơn. Điều này cho thấy các yếu tố môi trường có thể giúp xác định được một người có bị lupus hay không. Ngoài yếu tố ngẫu nhiên, một số yếu tố như thuốc, độc chất và chế độ ăn cũng có thể liên quan đến sự phát triển của bệnh. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (tia cực tím) là một yếu tố môi trường có thể làm nặng thêm tình trạng nổi ban ở những bệnh nhân lupus và đôi khi thúc đẩy những đợt bùng phát của bệnh.
Các loại thuốc thúc đẩy
Trước đây, những loại thuốc thường chịu trách nhiệm nhiều nhất trong việc thúc đẩy sự phát triển của bệnh lupus bao gồm procainamide (Procanbid), hydralazine (Apresoline) và isoniazid (Laniazid). Tuy nhiên, một số thuốc mới cũng có ảnh hưởng đến bệnh, chẳng hạn như những tác nhân sinh học dùng để điều trị bệnh viêm khớp mạn tính, etanercept (Enbrel), infliximab (Remicade), adalimumab (Humira). Thông thường, bệnh lupus gây ra bởi thuốc có thể thoái lui sau khi ngưng sử dụng các thuốc nói trên.
Thai kỳ và kinh nguyệt
Nhiều phụ nữ bị lupus nhận thấy những triệu chứng của họ sẽ trở nên nặng hơn sau khi trứng rụng và đỡ hơn khi bắt đầu một chu kỳ kinh nguyệt mới. Estrogen được cho là thủ phạm làm cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, hiện nay vấn đề này đang được nghiên cứu. Do đó những người phụ nữ bị lupus đang sử dụng thuốc ngừa thai được khuyên nên sử dụng loại có liều estrogen thấp hoặc hoàn toàn không có estrogen.
TRIỆU CHỨNG
Trong giai đoạn khởi phát của bệnh, triệu chứng thường rất mơ hồ, không đặc hiệu, do đó làm cho việc chẩn đoán bệnh trở nên khó khăn. Triệu chứng ban đầu thường gặp nhất là mêt mỏi, sốt và đau cơ và khớp. Chúng được gọi là "hội chứng tương tự cúm".
• Mệt mỏi thường gặp nhất và gây cho bệnh nhân khó chịu nhất. Triệu chứng này cũng thường là triệu chứng duy nhất còn lại sau khi đã điều trị đợt cấp. Đợt cấp là một đợt gia tăng các triệu chứng một cách cấp tính của bệnh.
• Sốt trong đợt cấp thường là nhẹ, không quá 38,9oC. Nếu bệnh nhân sốt cao hơn mức này, nên tìm những nguyên nhân nhiễm trùng gây sốt. Tuy nhiên, bất kỳ hiện tượng sốt nào xảy ra ở bệnh nhân lupus cũng nên được xem là dấu hiệu của nhiễm trùng cho đến khi tìm ra bằng chứng loại trừ được điều đó.
• Đau cơ và khớp kèm hoặc không kèm theo sưng khớp rất thường gặp trong giai đoạn khởi phát của bệnh và những lần tái phát về sau.
Lupus là một bệnh đa hệ thống nhưng có một số cơ quan thường bị ảnh hưởng nhiều hơn những cơ quan khác:
• Hệ cơ xương khớp: Trong bệnh lupus,đau khớp thường gặp hơn sưng khớp. Sưng khớp thường đối xứng hai bên cơ thể và không gây tổn thương khớp. Những khớp thường bị nhất là các khớp ở bàn tay, cổ tay và khớp gối. Bệnh nhân lupus, đặc biệt là những người phải sử dụng corticoid liều cao, có thể một số dạng tổn thương khớp do giảm máu nuôi gây chết các xương trong khớp. Tình trạng này được gọi là hoại tử vô mạch và thường gặp nhất ở các khớp háng và khớp gối. Thỉnh thoảng một số cơ có thể bị viêm và rất đau, làm cho bệnh nhân trở nên yếu ớt và mệt mỏi hơn.
• Da và tóc: Những triệu chứng ở da gặp trên 90% bệnh nhân bị lupus và thường gặp ở người Mỹ da trắng hơn người Mỹ gốc Phi. Dạng ban kinh điển trong lupus thường có màu đỏ và mọc ở hai bên má (hồng ban hình cánh bướm), xuất hiện khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tuy nhiên ngoài dạng kinh điển kể trên cũng có rất nhiều loại ban khác nhau có thể xuất hiện trong bệnh lupus. Ban dạng đĩa là những mảng da đỏ, bong vẩy và có thể để lại sẹo. Dạng ban này thường mọc ở mặt và da dầu nên có thể gây rụng tóc. Triệu chứng này thường gặp ở những bệnh nhân Mỹ gốc Phi. Đôi khi ban dạng đĩa cũng có thể gặp ở những bệnh lý về da không liên quan đến bệnh hệ thống. Rụng tóc có thể xuất hiện trong đợt bùng phát của bệnh thậm chí có thể không xảy ra kèm với triệu chứng nổi ban ở da đầu. Trong trường hợp này, tóc sẽ mọc lại sau khi đã điều trị làm lui đợt bùng phát. Tóc cũng có thể rụng khi sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch.
Hồng ban hình cánh bướm
Ban dạng đĩa
• Thận: Những triệu chứng của thận thường gặp ở hơn 50% bệnh nhân bị lupus. Bệnh thận nặng thường cần phải sử dụng liệu pháp ức chế miễn dịch để điều trị. Tất cả những bệnh nhân bị lupus ban đỏ mới được phát hiện cần phải được kiểm tra nước tiểu xem có chứa hồng cầu và protein hay không vì viêm thận có thể không có triệu chứng vào những giai đoạn sớm.
• Tim mạch: Viêm màng ngoài tim (túi bao bên ngoài tim) là dạng tổn thương tim thường thấy ở những bệnh nhân lupus. Nó có thể gây đau ngực tương tự như những cơn đau tim. Ngoài ra, có thể hình thành cách mảng sùi ở các van tim gây ra những vấn đề về tim. Xơ vữa động mạch có thể dẫn đến đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim ở những bệnh nhân lupus do phải sử dụng corticoid trong một thời gian dài để điều trị bệnh của mình. Ở một số bệnh nhân lupus, máu động mạch cung cấp cho tay không liên tục do các động mạch bị co thắt, làm cho đầu ngón tay bị tím hay trắng bệch, hiện tượng này được gọi là hội chứng Raynaud. Nó xảy ra khi có những sự kiện tác động lên cảm xúc của bệnh nhân, xuất hiện các cơn đau hay nhiệt độ ngoài trời lạnh.
• Hệ thần kinh: Một số bệnh lý về não và thần kinh, và hội chứng tâm thần cấp tính xuất hiện ở 15% bệnh nhân bị lupus. Những rối loạn thần kinh có thể xảy ra bao gồm co giật, liệt, suy nhược cơ thể nặng, rối loạn tâm thần và đột quỵ. Viêm tủy sống ở bệnh nhân lupus rất nặng hiếm khi xảy ra nhưng có thể dẫn đến liệt. Suy nhược rất thường gặp ở những bệnh nhân lupus. Đôi khi nó trực tiếp do bệnh gây ra, nhưng cũng có thể là do những rối loạn cảm xúc khi phải đối phó với căn bệnh mạn tính này trong một thời gian dài hoặc do tác động của những thuốc được dùng để điều trị bệnh, đặc biệt là prednisone liều cao.
• Phổi: Hơn 50% bệnh nhân bị lupus bị một số dạng bệnh phổi. Viêm màng phổi là bệnh thường gặp nhất. Nó có thể gây ra tình trạng đau ngực, thở nhanh nông, có thể làm nhầm lẫn với tình trạng máu cục trong phổi hay nhiễm trùng phổi. Sự tích tụ dịch ở khoang màng phổi (khoảng trống giữa phổi và thành ngực) cũng có thể xảy ra và được gọi là tràn dịch màng phổi. Viêm phổi cũng có thể gặp ở những bệnh nhân lupus có sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
• Hệ miễn dịch và máu: Khoảng 50% bệnh nhân lupus bị thiếu máu (giảm số lượng hồng cầu) và hơn phân nửa trong số đó bị giảm tiểu cầu và giảm bạch cầu. Giảm tiểu cầu có thể gây chảy máu và thâm tím ở dưới da, nếu nặng hơn có thể gây xuất huyết nội. Một số bệnh nhân lupus có thể dẫn đến tình trạng hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch (gây viêm tĩnh mạch) hoặc động mạch (gây đột quỵ hay những bệnh lý khác). Tình trạng này thường gặp nhất ở những bệnh nhân có một số tự kháng thể trong máu được gọi là các kháng thể kháng phospholipid. Những bệnh nhân này cần phải dùng thuốc tan huyết (thuốc kháng đông) trong một thời gian dài. Những phụ nữ có những tự kháng thể này có nguy cơ cao bị sẩy thai tự phát (không do yếu tố nào tác động).
• Hệ tiêu hóa: Một số bệnh nhân bị những vết loét không đau ở miệng và mũi tại một số thời điểm nào đó của bệnh. Đau bụng trong lupus có thể do viêm màng bụng, nhiễm trùng ruột hoặc do giảm lượng máu đến nuôi ruột do cục máu đông hoặc viêm các mạch máu đến ruột. Nếu bệnh nhân có nhiều dịch tự do trong bụng, lớp dịch này cũng có thể gây nhiễm trùng và đau dữ dội. Viêm gan cũng có thể xảy ra nhưng hiếm gặp.
• Mắt: Khô mắt rất thường gặp. Nhiều trường hợp có kèm theo khô miệng, gọi chung là hội chứng Sjögren. Thông thường, người bệnh không hiểu rằng việc bài tiết nước mắt không đủ. Cần phải khám mắt thường xuyên ở người bị bệnh lupus, vì đó là một trong những nơi hiếm của cơ thể mà mạch máu có thể được quan sát một cách trực tiếp. nhờ vào dụng cụ soi mắt. Các loại thuốc corticoid dùng trong bệnh lupus có thể gây đục thủy tinh thể, thuốc chống sốt rét gây lắng đọng ở giác mạc và võng mạc…
KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM BỆNH
Bạn nên đi khám bệnh khi:
• Sốt cao
• Nhức đầu một cách bất thường
• Tiểu máu
• Đau ngực
• Thở nhanh, nông
• Sưng chân
• Thấy yếu ở mặt, chân, hoặc tay ở một phía của cơ thể.
• Đau bụng một cách bất thường
• Đau khớp một cách bất thường
• Sẩy thai tái phát nhiều lần.
• Rối loạn thị giác.
Bạn nên đi đến bệnh viện ngay khi
• Sốt trên 38,8oC
• Giảm lượng nước tiểu một cách nhanh chóng
• Đau ngực
• Đột ngột khó thở, hoặc khó thở diễn ra một cách bất thường.
• Đột ngột cảm thấy yếu liệt.
• Nhức đầu dữ dội
• Thay đổi thị giác cấp tính.
• Đau bụng đột ngột.
• Không thể trụ được sức nặng của bản thân hoặc di chuyển khớp do đau dữ dội
• Sưng nhanh chóng ở một hay nhiều vùng trên cơ thể (cẳng chân, cẳng tay, bàn chân hoặc bàn tay).
KHÁM VÀ CÁC XÉT NGHIỆM
Những đánh giá lâm sàng được thực hiện tại phòng cấp cứu:
• Việc đánh giá được thực hiện tại phòng cấp cứu tùy thuộc vào những triệu chứng khó chịu của bệnh nhân. Mục tiêu chính của một bác sĩ cấp cứu là quyết định xem vấn đề nào mang tính cấp bách hàng đầu trong số các vấn đề của một bệnh mạn tính như lupus. Nếu bệnh nhân chưa từng được chẩn đoán là bị lupus, bác sĩ vẫn sẽ đánh giá nhưng hầu như không bao giờ cho rằng bệnh nhân bị lupus ngay trong lần chẩn đoán đầu tiên trừ phi có những bằng chứng rõ ràng và không thể nhầm lẫn được. Việc đánh giá các bệnh mạn tính sẽ được thực hiện tại các phòng khám.
• Phần lớn các xét nghiệm máu để tìm các marker (chất đánh dấu) đặc biệt của bệnh lupus sẽ không thể cho kết quả sớm trong vòng vài ngày, do đó các xét nghiệm máu sẽ không được thực hiện ngay lập tức. Tuy nhên, đối với một bệnh nhân đã được chẩn đoán lupus trước đây đi đến phòng cấp cứu, có một số xét nghiệm có thể được thực hiện ngay nhằm đánh giá khả năng tổn thương của các cơ quan bao gồm công thức máu, tổng phân tích nước tiểu, các khảo sát bằng hình ảnh và theo dõi nhịp tim cho phép bác sĩ chẩn đoán được đây là một đợt cấp.
• Công việc của bác sĩ tại phòng cấp cứu là xác định, đánh giá và điều trị những vấn đề cấp tính cần chữa trị ngay, sau đó sẽ chuyển bệnh nhân đến những chuyên khoa sâu hơn để được đánh giá và điều trị cụ thể.
Tiêu chuẩn chẩn đoán lupus:
Chẩn đoán bệnh lupus là một chẩn đoán lâm sàng dựa vào các triệu chứng quan sát được. Các xét nghiệm chỉ cung cấp một phần thông tin trong toàn bộ bức tranh lớn. Hội Thấp Khớp Hoa Kỳ đã đưa ra 11 tiêu chuẩn để chẩn đoán. Để được chẩn đoán là bị lupus, bệnh nhân cần phải có trên 4 triệu chứng trong số các triệu chứng sau:
• Nổi hồng ban có dạng hình cánh bướm ở hai bên má, phía dưới 2 mắt. Nó có thể phẳng hoặc nổi gồ lên.
• Ban hình đĩa: là những mảng màu đỏ, nổi gồ lên kèm theo nổi vảy ở phần da phủ phía trên. Có một nhóm nhỏ bệnh nhân chỉ xuất hiện ban đĩa lupus trên da và không bị lupus ban đỏ hệ thống.. Tất cả các bệnh nhân có ban đĩa lupus nên được tầm soát để tìm các biểu hiện hệ thống khác.
• Nhạy cảm với ánh sáng: nổi ban do phản ứng với ánh sáng mặt trời. Không nên nhầm lẫn dạng ban này với rôm, sảy (thường mọc ở những nếp gấp trên cơ thể như nách, bẹn, cổ hoặc những vùng ẩm ướt trên cơ thể khi tiếp xúc với nhiệt...).
• Loét ở miệng: những vết loét không đau ở vùng mũi hoặc miệng cũng cần được bác sĩ khám và ghi nhận.
• Viêm khớp: Viêm khớp do lupus thường không gây biến dạng khớp. Thường có thể sưng khớp và ấn đau.
• Viêm thanh mạc: là tình trạng viêm của các túi hoặc màng bao bọc phổi, tim và lát khoang ổ bụng. Tình trạng viêm của các mô này cũng có thể gây sự khó chịu rất nặng nề ở những vùng bị ảnh hưởng.
• Bệnh thận: Tiểu đạm hoặc soi nước tiểu dưới kính hiển vi cho thấy những bằng chứng về tình trạng tổn thương cầu thận
• Những rối loạn về thần kinh: Biểu hiện bằng triệu chứng co giật hoặc tình trạng rối loạn tâm thần nguyên phát.
• Rối loạn về máu: giảm số lượng các thành phần trong máu (tiểu hồng cầu, bạch cầu) cũng có thể xảy ra.
• Bệnh lý miễn dịch: để xác định chính xác cần phải thực hiện những xét nghiệm chuyên biệt để tìm những marker của bệnh Lupus. Những marker này bao gồm: kháng thể kháng DNA, các protein nhân (Sm) hoặc các phospholipids (có thể dương tình giả ở bệnh giang mai). Những kháng thể này xuất hiện trong máu có thể chống lại những mô lành của cơ thể vì vậy lupus còn được gọi là bệnh tự miễn.
• Những kháng thể kháng nhân (ANA - antinuclear antibody): Là marker thường gặp trong máu ở các bệnh tự miễn. ANA tăng lên trong máu theo tuổi chính vì vậy độ chính xác của chúng giảm đi ở những bệnh nhân lớn tuổi. Xét nghiệm ANA rất có giá trị khi âm tính, đây là yếu tố cơ bản để loại bỏ chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ do có khoảng trên 98% bệnh nhân lupus cho kết quả xét nghiệm ANA dương tính.
ĐIỀU TRỊ
Tại nhà
Những công việc một bệnh nhân lupus cần thực hiên tại nhà bao gồm uống thuốc theo toa của bác sĩ và thực hiện đúng lời dặn của bác sĩ như tránh tiếp xúc ánh sáng mặt trời hoặc sử dụng kem chống nắng đối với những vùng da nhạy cảm
• Những bệnh nhân nổi ban do tiếp xúc với ánh nắng nên luôn sử dụng chất chống nắng có SPF cao chống được cả 2 loại UVA và UVB của tia cực tím.
• Khi sử dụng các thuốc steroid (corticoid) hoặc những thuốc ức chế miễn dịch qua đường uống nên thận trọng khi triệu chứng sốt xuất hiện do sốt có thể xảy ra cùng với đợt cấp của lupus hoặc là biểu hiện của những bệnh xuất hiện chồng lên, đặc biệt là nhiễm trùng. Khi sử dụng các thuốc này, nhiệt độ sốt thường không cao nên bạn cũng phải rất thận trọng và chú ý kỹ đến nhiệt độ của mình.
• Cần phối hợp giữa nghỉ ngơi, đặc biệt là trong các đợt cấp, với luyện tập các khớp và cơ, nên thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc những chuyên gia vật lý trị liệu.
Tại bệnh viện
Đối với những bệnh nhân đã được chẩn đoán bị lupus và đang dùng thuốc để điều trị, mọi nỗ lực được thực hiện tại phòng cấp cứu là nhằm tránh cho thêm những loại thuốc có khả năng gây nguy hiểm do tác dụng phụ.
• Việc sử dụng ibuprofen (Motrin, Advil) và những loại thuốc khác tương tự như ibuprofen để điều trị lupus đòi hỏi phải thận trọng. Ibuprofen và những loại thuốc tương tự có thể gây hủy hoại chức năng thận, đặc biệt là ở những bệnh nhân đã có bệnh về thận. Ngoài ra, ibuprofen và những thuốc tương tự đôi khi có thể gây viêm màng não dẫn đến nhức đầu dữ dội.
• Một số bệnh nhân bị lupus có thể giảm triệu chứng một cách đáng kể mà không cần sử dụng đến corticoid hoặc những thuốc ức chế miễn dịch khác như azathioprine hoặc cyclophosphamide. Tuy nhiên, những biến chứng cấp tính như suy thận cấp do lupus gây ra có thể cần phải sử dụng corticoid liều cao bằng đường uống hay đường tiêm tĩnh mạch kèm theo những loại thuốc ức chế miễn dịch khác. Một số bệnh nhân cần phải được điều trị bằng corticoid và những thuốc ức chế miễn dịch khác trong một thời gian dài.
• Các thuốc kháng sốt rét như hydroxychloroquine và chloroquine là những loại thuốc dùng để sử dụng thay thế tuyệt vời đối với những bệnh nhân bị lupus nhưng không đáp ứng tốt với ibuprofen hay aspirin. Thuốc kháng sốt rét được sử dụng ở những bệnh nhân này giảm đáng kể các triệu chứng của họ như nổi ban, mệt mỏi, đau cơ và khớp. Ngoài ra, hydroxychloroquine còn cho thấy có thể làm giảm được tần số xuất hiện của các đợt cấp tính ở những bệnh nhân lupus. Dựa trên dữ kiện trên, rất nhiều nơi cho rằng tất cả các bệnh nhân nên được điều trị với hydroxychloroquine không giới hạn bất kể chúng có thể gây ra các tác dụng phụ. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc kháng sốt rét, bệnh nhân cần phải được kiểm tra mắt định kỳ để tránh những biến chứng xấu có thể xảy ra.
• Đối với những bệnh nhân lupus bị nổi ban do nhạy cảm với nắng, nên sử dụng một cách thích hợp các loại kem chống tia cực tím và mặc quần áo bảo vệ. Nhiệt độ, tia hồng ngoại, và đôi khi là ánh sáng huỳnh quang cũng có thể gây ra đợt cấp. Kem có chứa corticoid cũng có tác dụng đối với ban lupus khi chúng bắt đầu nổi. Bác sĩ nên theo dõi sát những bệnh nhân sử dụng kem chứa coticoid, đặc biệt khi sử dụng ở mặt và những vùng được che chắn.
• Điều trị co giật hoặc những rối loạn tâm thần kinh thường nhắm trực tiếp vào chính những rối loạn đó (sử dụng thuốc chống co giật cho bệnh nhân co giật, thuốc chống suy nhược cho những bệnh nhân có tình trạng suy nhược nặng).
• Sử dụng coticoid có thể gây ra một số biến chứng bao gồm rối loạn tâm thần, tăng nguy cơ nhiễm trùng, dễ gẫy xương, đục thủy tinh thể, đái tháo đường hoặc làm bệnh nặng hơn nếu như bệnh nhân đã bị đái tháo đường trước đó, tăng huyết áp, mỏng da, phù mặt và hoại tử vô mạch. Corticoid thường được sử dụng ở những bệnh nhân bị lupus có tổn thương cơ quan nặng hoặc không đáp ứng với những thuốc điều trị khác.
o Tác dụng phụ quan trọng nhất khi sử dụng thuốc corticoid và những thuốc ức chế miễn dịch khác là tăng nhạy cảm với những loại nhiễm trùng nguy hiểm.
o Ở thai phụ, steroid thường được sử dụng là prednisone vì nó đi qua thai ít hơn những loại thuốc corticoid khác.
o Không nên ngưng sử dụng corticoid đột ngột nếu bạn đã sử dụng chúng trong nhiều tháng. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn cách giảm liều từ từ trước khi ngưng hoàn toàn.
• Nếu cục máu đông tự hình thành trong cơ thể, việc điều trị sẽ nhằm mục tiêu chủ yếu là phòng ngữa. Do đó, các thuốc thường được sử dụng là heparin hoặc warfarin (Coumadin). Đối với những phụ nữ đang mang thai, heparin là lựa chọn đầu tiên vì chúng ít tác dụng lên thai nhi hơn warfarin.
TIÊN LƯỢNG
Tiên lượng bệnh tùy thuộc vào mức độ viêm của các cơ quan (vd như có sự xuất hiện của viêm thận hoặc viêm não)
Một số bệnh nhân lupus có bệnh rất giới hạn nên có thể sống một cuộc sống tương đối bình thường với rất ít vấn đề. Nhưng cũng có những bệnh nhân khác bị ảnh hưởng đa cơ quan như suy thận, đau tim và đột quỵ. Sự đa dạng của tiên lượng bệnh phản ánh tính đa dạng của bệnh.
Đối với khả năng sinh sản, những bệnh nhân nữ bị lupus vẫn có thể mang thai và sinh con như người bình thường. Tuy nhiên, những biến chứng do thai kỳ có khả năng xảy ra cao hơn, đặc biệt là nếu như thận có vấn đề. Những phụ nữ bị lupus đang trong giai đoạn im lặng trong vòng từ 6 đến 12 tháng dễ có một thai kỳ bình thường hơn. Ngoài ra, các kháng thể được hình thành trong cơ thể mẹ rồi truyền sang thai nhi đôi khi có thể gây ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, gây nổi ban, giảm các tế bào máu hoặc nghiêm trọng hơn là gây nhịp tim chậm do block tim hoàn toàn (lupus sơ sinh). Với những lý do trên, tất cả những phụ nữ bị lupus trước khi quyết định có con nên tham vấn, hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa và nên được xếp vào nhóm phụ nữ có thai kỳ nguy cơ cao.
(Theo Emedicinehealth)
2 thg 3, 2013
EM NHỚ ANH VÔ CÙNG
Ngày hôm qua ta đã thuộc về nhau
Ta đã từng thuộc về nhau Cuối tuần, trời không nắng cũng không mưa, trong cái se se lạnh của tiết trời mùa thu HN. Giữ bên mình những ký ức nhạt nhòa xen lẫn niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, em ôm chặt lại. Em cứ sợ đánh mất đi, cố siết thật chặt… nhưng nó vẫn vỡ vụn. Ngồi một mình bên ly cà phê không đường.
Lâu quá rồi, em mới uống lại loại thức uống đăng đắng này. Dù khi quen
anh, đi cùng anh, em không bao giờ uống vì nghĩ “con gái thì không nên
uống cà phê như vậy”, thế nên em chỉ kêu nào sinh tố, nào nước ép,… Giờ đây, một mình nhấm lại hương vị đắng nghét của nó. Cũng cái quán
cà phê này, cũng chỗ ngồi này, cũng bài hát này,… em nếm từng chút, từng
chút giọt đắng đắng cả tâm hồn. Em không quen thay đổi, em chỉ thay đổi
thói quen vì ai đó. Mà em biết bây giờ không còn nữa. Quán cà phê hôm
nay vẫn như mọi ngày, yên tĩnh, vắng lặng và vẫn chỗ
ngồi quen thuộc đó lại làm em nhớ....! Một mình ngồi nhắm nghiền mắt, em thả lỏng người vào thành ghế nghe giọng Hồ Quỳnh Hương cất lên, day dứt, đứt đoạn: “Anh đã đến và nói với em Ngày mai anh phải đi Ở nơi ấy anh sẽ tìm được hạnh phúc. Giọt nước mắt cố nén trong lòng Đành chấp nhận như vậy thôi Vì em chẳng thể mang được Hạnh phúc đến với anh”.
Lời bài hát như xoáy sâu tim em, nghe đắng hơn cả giọt cà phê không
đường này. Dù rằng không ai đến với tình yêu để mong có kết cuộc như
ngày hôm nay. Thì có cố mấy cũng vậy thôi anh à! Ta sợ mất một ai đó nhưng
bản thân ta lại không níu giữ, ta muốn người đó quay lại nhưng càng muốn giữ thì ta lại càng đẩy người đó đi xa hơn... Trong tình yêu, nếu bạn yêu một ai đó, hay cố gắng bên người ấy. Và khi người ấy thuộc về bạn, hãy trân trọng và gìn giữ. Bởi tình yêu không phải là một món đồ mà khi mất ta dễ dàng tìm lại được ( nói là như vậy nhưng để thực hiện được thì đâu dễ phải không anh???) Và nếu bạn may mắn có lại được thì trong tim người đó cũng đã hiện hữu một vết thương khó lành. Nguyện xin giữ mãi dĩ vãng trong tim Ngày hôm qua đã thuộc về nhau Sao giờ hạnh phúc tan biến rồi? Người ơi, Chỉ còn lại những nỗi nhớ vô bờ Biển mênh mông cuốn trôi về đâu Anh có biết em sẽ nhớ anh vô cùng.
Biển mênh mông cuốn trôi đi nỗi nhớ Bài hát kết thúc. Em rơi nước mắt. Dẫu biết em đã cố nén từ khi giọt cà phê đầu tiên nhỏ xuống. Chỉ còn đây một giọt cuối cùng, sao em vẫn không làm được. Thôi, từ hôm nay em sẽ không uống sinh tố nữa, em sẽ không uống nước ép như trước, em sẽ vẫn cười khi em vui, vẫn khóc khi em buồn... Và em luôn mong những điều tốt nhất đến với anh. Em không có cơ hội để chia sẻ với anh những vấn đề liên quan đến công việc và cuộc sống. Đôi khi em thấy mình quá vô tâm anh nhỉ? Nhưng không có nghĩa em không dõi mắt theo anh trên từng bước đường. Lúc nào em cũng mong anh luôn khỏe và may mắn trong công việc của mình. Em biết dù anh hay em có nói lời chia tay hay không thì câu nói đó cũng chẳng dễ dàng gì và để thực hiện nó cũng lại lại càng khó. Bởi ai cũng sẽ buồn vì không đi hết con đường mình đã chọn. Em hiểu anh luôn muốn những gì tốt đẹp cho em. Chỉ có một điều cuối cùng em muốn nói “Anh có biết em sẽ nhớ anh vô cùng”. Ta gom ký ức về anh, đốt nó thành tro, bỏ vào một cái lọ, thả trôi theo con sóng, sóng đi về đâu, tình em theo nơi đó.ST |